Với cách nhìn của một người ở thế hệ của bà, bà không thể hiểu nổi tại sao “ngày xưa yêu nhau mà giờ lại nói không hợp”. “Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời. Khuyên nhủ con không nghe thì đành chịu. Nhưng đứa nào tôi cũng coi là con. Tôi sẽ không bỏ đứa nào”.

Đến thăm nhà bà Lê Thị Sáu (59 tuổi) ở xóm Đá Thâm, thôn Viên Nam, xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai, Hà Nội, chúng tôi chứng kiến một cơ ngơi khang trang, rộng gần 2.000m2 do một tay bà Sáu gây dựng sau mấy chục năm một mình nuôi con. Ở khu vực sân của gian nhà chính, sân khấu đám cưới, phông bạt, bàn ghế đã được chuẩn bị. Trong ảnh cưới, chú rể là con rể cũ của bà – người đã sống cùng nhà vợ hơn 10 năm nay, cô dâu là người vợ mới của anh.

Bà bảo, cả xóm này, cả nhà gái ở Lương Sơn, Hoà Bình đều nói rằng đây là “chuyện lạ có thật”. Hôm ăn hỏi cách đây gần 1 tháng, có bô lão đàng gái nói “dù đã sống đến 80 năm trên đời nhưng chưa từng chứng kiến chuyện nào như thế này”.

“Họ bên ấy nhất quyết đòi gặp ‘bà mẹ vợ của anh Lịch’ bằng được để xem mình trông như thế nào”. Vì thế, bà cũng theo chân con rể cũ sang nhà gái thưa chuyện và nhận được những lời chúc mừng, khen ngợi, ủng hộ hôn nhân mới của 2 người trẻ cùng chung hoàn cảnh muốn nương tựa vào nhau.

Câu chuyện của gia đình bà Sáu bắt đầu từ cách đây hơn 10 năm, khi anh Nguyễn Văn Lịch (33 tuổi) quen biết chị Nguyễn Thị Hương – con gái bà qua một người quen. Rất nhanh sau đó, cả hai tiến tới hôn nhân. Trước khi làm đám cưới, bà Sáu tâm sự thẳng thắn với anh: “Nhà bác chỉ có 2 cô con gái. Chị lớn đã đi lấy chồng, chỉ còn lại cô em nên bác muốn ‘bắt rể’. Cháu có về đây ở rể để sau này trông nom bác được không?”

Anh Lịch quê ở Yên Trung, huyện Thạch Thất – cách nhà bà Sáu khoảng 13-14km. Trước lời đề nghị của mẹ vợ tương lai, anh Lịch không suy nghĩ gì nhiều mà đồng ý luôn. “Mình nghĩ ở đâu cũng được. Nhà mình có hai anh em trai, mình là em. Bố mẹ mình cũng đồng ý và mừng cho các con thôi chứ cũng không e ngại gì chuyện ở rể” – Lịch nói.

Sau sự thống nhất ấy, đám cưới diễn ra. Những năm đầu, cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, ngày tháng yên bình trôi đi. Họ sinh được 2 bé – 1 trai 1 gái, năm nay đã 9 tuổi và 6 tuổi. Vợ chồng anh cùng nhau làm ăn, nuôi dạy các con khôn lớn.

Nhưng theo lời kể của anh, cách đây khoảng 3 năm, khi chị Hương bắt đầu học nghề spa, quan điểm sống của chị dần thay đổi. “Chắc cô ấy được va chạm nhiều hơn nên cách nhìn cuộc sống cũng khác đi. Cô ấy nói chúng tôi không hợp nhau. Từ cách xưng hô, ứng xử với chồng cũng khác hẳn. Hai bên thi thoảng có lời ra tiếng vào”.

Lúc ấy, anh Lịch vẫn một lòng một dạ muốn vợ chồng hàn gắn, bỏ qua những mâu thuẫn để tiếp tục hôn nhân. Bà Sáu cũng ra sức hoà giải, khuyên can con gái nhưng chị Hương một mực đòi l.y h.ôn. Chị đơn phương nộp đơn lên toà. Bà lại xin toà cho gia đình thêm thời gian để về hoà giải.

Trong thời gian đó, chị Hương chủ động sống ly thân với chồng, mỗi người ngủ một phòng. Một thời gian sau, chị dọn ra khỏi nhà để làm nghề spa cách đó khoảng 10km, để lại 2 đứa con. Đã 2 năm nay, chị không về nhà các dịp lễ tết, chỉ về đón con đi chơi 1-2 tuần một lần. Mỗi lần về, chị chỉ vào nhà mươi phút để đón con, không ăn cơm, cũng không ngủ lại.

Anh Lịch sau khi hết lòng hết dạ với vợ thì quyết định buông tay. “Mình càng níu kéo thì vợ càng đi xa. Tôi nghĩ, thôi thì buông bỏ. Bây giờ có giữ được chân cô ấy thì cũng chẳng giữ được trái tim cô ấy ở lại”.

Cách đây 9 tháng, anh chị chính thức l.y h.ôn.

Nhưng “tôi không có lý do gì để đuổi thằng Lịch ra khỏi nhà” – bà Sáu nói. Sống chung hơn chục năm, hai mẹ con chưa từng to tiếng, mâu thuẫn. “Nó chẳng làm gì sai, cũng chẳng đối xử tệ bạc với mình. Nó còn đang nuôi nấng, chăm bẵm 2 đứa cháu mình”.

Nghĩ vậy, bà quyết định từ nay nhận Lịch là con trai. Bà nói “nếu mẹ không đuổi thì con không phải đi đâu hết”. Thấy con rể còn quá trẻ để “gà trống nuôi con”, bà nói luôn: “Mày tìm hiểu kỹ càng xem ai người ta thương yêu được mình thì mẹ cưới cho. Mày lấy vợ về đây làm dâu mẹ, cùng nhau chăm lo nhà cửa, con cái. Mẹ có chỗ dựa lúc về già”. Bà cũng thông báo ý định ấy với con gái mình.

Với cách nhìn của một người ở thế hệ của bà, bà không thể hiểu nổi tại sao “ngày xưa yêu nhau mà giờ lại nói không hợp”. “Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời. Khuyên nhủ con không nghe thì đành chịu. Nhưng đứa nào tôi cũng coi là con. Tôi sẽ không bỏ đứa nào”.

“Nếu sau này Hương lấy chồng mới, tôi cũng sẽ lo cho con. Một bên có vợ, một bên có chồng, như thế là vui vẻ”.

Khi được hỏi nếu con gái lấy chồng và muốn về đây sống thì bà tính sao, bà Sáu nói: “Lúc ấy, tôi sẽ có phương án khác, chứ không cho Hương về đây vì hai bên sẽ va chạm nhau”.

Bà cũng quay sang nói với Lịch: “Bây giờ mẹ lo cho chúng mày. Sau này, nếu Hương lấy chồng, người ta cũng sẽ về đây hỏi cưới xin, thì 2 đứa cũng phải cùng mẹ lo cho em”. Lịch bảo, “mẹ cứ yên tâm, chúng con sẽ cùng mẹ lo chu toàn”.

Bà Sáu tâm sự, số bà vất vả. Chồng mất từ khi con còn nhỏ. Một mình bà gồng gánh nuôi con, đến nay đã 4 lần làm nhà. “Dạo này lo việc cho Lịch không ăn, không ngủ được” – bà nói.

Từ trước đến nay, nhờ giỏi xoay sở trồng trọt, chăn nuôi, bà vẫn là trụ cột kinh tế trong gia đình. Bà bảo, sắp tới “khi Lịch cưới vợ về, tôi sẽ sắp xếp để giao cho hai vợ chồng lo sau, còn bây giờ tôi vẫn lo tất”.

Coi Lịch là con trai, bà chuẩn bị phòng cưới cho con như trai tân lấy vợ. Toàn bộ giường chiếu, chăn ga gối đệm, tủ quần áo, bà đều sắm đồ mới tinh. Tính sơ sơ đã tốn chừng 50 triệu. Tại lễ cưới, bà cũng lên trao cho các con một cặp nhẫn vàng, gọi là “một chút tấm lòng của mẹ”.

Đám cưới của Lịch cũng được bà chuẩn bị đầy đủ các hạng mục: cổng cưới kết hoa, phông bạt, sân khấu, bàn ghế chật kín sân. “Tôi chỉ làm năm chục mâm, đó chỉ là toàn họ hàng, con cháu trong nhà và nhà gái, không mời làng xóm vì sợ mang tiếng. Người ta lại bảo cưới lần 2 mà mở rộng để lấy phong bì” – bà Sáu thật thà chia sẻ.

Cách đây khoảng chục ngày, bà Sáu cũng dặn con gái “tốt nhất là con nên về để cơm nước, lo lắng cho thằng Lịch. Nhưng về thì phải vui vẻ, không thì thôi”.

Bà bảo, Lịch là người hiền lành, tử tế, đối xử tốt với vợ ngay cả lúc vợ đã nộp đơn ra toà. Vì thế, việc bà đối xử tốt với anh là hoàn toàn xứng đáng. “Vợ nó ốm nằm viện, sáng nó dậy từ 4h sáng, thịt gà, nấu cháo, mang vào cho vợ. Lúc ấy là sắp l.y h.ôn rồi”.

Từ ngày con gái ra khỏi nhà, mỗi lần bà đau ốm, cấp cứu đêm hôm, Lịch cũng là người chăm sóc, gọi người đưa mẹ đi viện. Có đợt bà Sáu nằm viện nửa tháng, được con gái đầu chăm sóc, một tay Lịch vừa lo việc nhà vừa chăm sóc con cái. Bà nói, bây giờ có thêm dâu, chẳng may bà có ốm đau thì lại có thêm người chăm bà, chăm các cháu. Bà thấy yên tâm hơn nhiều.

Nói về con dâu mới, bà bảo: “Sau này chưa biết thế nào, nhưng trước mắt thấy cháu hiền hậu, chu đáo. Mỗi lần xuống nhà, Dung đều tắm gội, nấu cơm, chăm sóc bọn trẻ như mẹ đẻ. Bọn trẻ con rất quý và quấn quýt với con bé. Chúng gọi luôn là mẹ Dung. Nhất là con bé thứ hai sống tình cảm, từ ngày có mẹ Dung là nó không ngủ với bà nữa. Lúc đi ngủ, nó còn bảo ‘mẹ Dung ôm con, cho con dễ ngủ nhé’”.

Những ngày tháng tới, bà cũng sẽ coi con riêng của Dung như cháu r.uột mình, giống như cô coi các cháu ngoại của bà như con đẻ. Cả 3 người cùng chung sống vui vẻ, hoà thuận, để chăm lo cho 3 đứa trẻ một cuộc sống đủ đầy nhất.

Lịch ngồi bên cạnh mẹ vợ cũ trong suốt buổi trò chuyện với chúng tôi. Anh không nói gì nhiều. Nhưng khi được hỏi, anh chia sẻ rất rành mạch: “Tôi rất xúc động khi có một người mẹ như mẹ Sáu. Mẹ đã thương tôi như thế thì mai này chắc chắn tôi sẽ phụng dưỡng mẹ chu đáo để không phụ lòng mẹ chăm lo cho mình”.

Còn bà Sáu thì chân chất tâm tình như đúng bản tính của một người dân quê: “Tôi không dám nói trước điều gì. Nếu sau này các con tử tế với mình thì đó cũng là cái phúc của nhà mình. Tôi chỉ mong được như thế”.
Đám cưới của Lịch và Dung được diễn ra vào sáng ngày 3/9 tại nhà bà Sáu – mẹ vợ cũ của Lịch, cũng là nơi anh đã ở rể hơn 10 năm kể từ khi lấy con gái bà.



Cô dâu mới dắt tay con gái riêng của Lịch vào nhà.
Hai vợ chồng thắp hương tại nhà bà Sáu.
Đại diện nhà trai và nhà gái phát biểu tại lễ thành hôn.
Bà Sáu trao quà cho hai con.
Mẹ r.uột của Lịch (trái) và bà Sáu – người mẹ thứ hai của anh chụp cùng các con.
Mẹ chồng tổ chức đám cưới cho con dâu: Làm 35 mâm cỗ, không lấy tiền mừng

Dù đã diễn ra cách đây một tuần nhưng đám cưới của cô dâu Bảo An và chú rể Quang Vinh (ở xã Yên Dưỡng, Cẩm Khê, Phú Thọ) vẫn nhận được sự quan tâm và lời chúc phúc của nhiều người.

Chị Bảo An vốn là con dâu của vợ cồng ông Trần Năng Toán và bà Đặng Thị Hòa. Người con trai không may qua đời cách đây 5 năm, hai ông bà nhiều lần giục con dâu đi bước nữa.

Cách đây ít lâu, khi chị An thưa chuyện đã tìm được người tâm đầu ý hợp, cả hai nhiệt tình ủng hộ và xin phép thông gia được tổ chức đám cưới đưa con dâu về nhà chồng.

Câu chuyện về đám cưới đặc biệt và tình cảm thuận hòa, yêu thương giữa mẹ chồng nàng dâu được chị Tiên (một thợ trang điểm ở huyện Cẩm Khê) ghi lại và chia sẻ lên mạng xã hội.
Cô dâu Bảo An chụp ảnh cùng bố mẹ chồng cũ.
Trao đổi với Dân trí, chị Tiên cho hay: “Lúc mới đến trang điểm cho cô dâu, tôi cứ nghĩ đám cưới tổ chức ở nhà mẹ đẻ của cô dâu. Nhưng không ngờ khi trò chuyện mới biết, đó là nhà chồng.

Đám cưới được tổ chức linh đình. Bố mẹ chồng, các anh chị em chồng đều vui vẻ, háo hức chuẩn bị như chính người r.uột thịt của mình đi lấy chồng vậy. Đã thế, em chồng cô dâu còn hỏi một câu khiến tôi rất xúc động rằng: “Chị ơi, thế sau này chị có em bé, em bé sẽ gọi em là chú hay cậu nhỉ?”.

Liên quan đến đám cưới nói trên, trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Xuân Hùng, Chủ tịch UBND xã Yên Dưỡng cho biết, câu chuyện mẹ chồng gả con dâu đi lấy chồng mới gây xôn xao những ngày qua là có thật ở địa phương.

“Nhà của ông Toán ở ngay gần ủy ban nhân dân xã. Ông Toán tổ chức đám cưới cho con dâu, làm 35 mâm cỗ nhưng không nhận phong bì của ai.

Tôi cũng được mời và đến dự đám cưới đó. Cô Bảo An đi lấy chồng, vợ chồng ông Toán cũng có rất nhiều cảm xúc, nhưng sau khi được mọi người động viên, cả gia đình đều rất vui vẻ”, ông Nguyễn Xuân Hùng nói.
Câu chuyện của cô dâu Bảo An được người thợ trang điểm chia sẻ và gây sốt trên mạng (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Chủ tịch UBND xã Yên Dưỡng cũng chia sẻ thêm, ông Trần Năng Toán là Chủ tịch Hội Người cao tuổi kiêm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh của xã, bà Hòa cũng là hội viên Hội cựu chiến binh xã Yên Dưỡng. Vợ chồng ông Toán, bà Hòa sống hiền lành, tử tế, hòa đồng, tích cực tham gia các hoạt động địa phương, được mọi người yêu quý.

Trước đó, bà Đặng Thị Hòa cho biết, vì thương con dâu chịu nhiều thiệt thòi, bà nhiều lần giục con dâu đi tìm hạnh phúc mới.

Đầu năm 2023, chị Bảo An xin phép bố mẹ chồng và bố mẹ đẻ được đi lại tìm hiểu anh Quang Vinh ở cùng xã.

“Bảo An có nhiều người theo đuổi, nhưng khi thấy ưng anh ấy, con có gọi điện xin phép tôi. Thú thực lúc ấy, tôi vui buồn lẫn lộn. Tôi nghĩ đó là cảm xúc khó tránh khỏi của một người mẹ trải qua mất mát. Nhưng sau cùng tôi vẫn ủng hộ con hết lòng và mong con thật hạnh phúc”, bà Hòa nói.

Đám cưới của chị An sau đó được tổ chức vào ngày 11/4. Ngày cưới, trước khi con dâu về nhà chồng mới, ông Toán, bà Hòa lên sân khấu trao của hồi môn cho vợ chồng hai con. Bà Hòa đeo vòng vàng cho con dâu, còn ông Toán đeo nhẫn cho “chàng rể”.

Sau đám cưới, chị An và bố mẹ chồng bất ngờ nhận được nhiều lời chúc mừng từ cộng đồng mạng. Câu chuyện về tình cảm chân thành giữa họ khiến nhiều người cảm thấy xúc động.

Chia sẻ với Dân trí, bà Hòa bộc bạch: “Thú thực, khi hai vợ chồng tôi bàn bạc về đám cưới, chúng tôi cũng có những băn khoăn nhất định. Vì chuyện tổ chức đám cưới gả con dâu chưa từng có tiền lệ ở quê tôi. Chúng tôi sợ sẽ bị dân làng, người ngoài dị nghị, bàn tán. Nhưng sau khi suy nghĩ, chúng tôi quyết định nghe theo lương tâm và tình cảm của mình”.

Tại đám cưới, gia đình ông Toán không đặt hộp tim, không nhận phong bì. Một số bạn bè của cô dâu Bảo An thì chủ động chuẩn bị phong bì và quà mừng, tặng riêng cô dâu, còn phía ông bà Toán không nhận tiền mừng của ai.

Đám cưới có một không hai mẹ chồng tổ chức gả con dâu đi lấy chồng mới sau đó được chia sẻ nhiều trên báo chí và các trang mạng xã hội.
Mẹ chồng trong ngày hạnh phúc của con dâu (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Bình luận trên Dân trí, độc giả tên Dũng viết: “Mình là người dưng mà khi đọc bài báo còn thấy xúc động, khóe mắt cay cay. Đúng là độc lạ nhưng mà độc lạ này thể hiện tính nhân văn, tình cảm giữa con người với con người là không có giới hạn. Chúc mọi điều tốt đẹp đến với gia đình ông bà”.

“Thật sự xúc động. Tình người thật cao quý. Chúc cô gái hạnh phúc. Chúc ông bà bố mẹ chồng cũ của cô gái mạnh khỏe. Thật sự cảm phục lòng bao dung của ông bà”, bạn Khánh Thiện Lê chia sẻ.

Bạn đọc Nguyễn Đức Tá cũng nhận xét về đám cưới ở Phú Thọ: “Thật xúc động, chúc phúc cho đôi vợ chồng mới cưới và cảm ơn gia đình bố mẹ chồng cũ đã thấu hiểu, thông cảm và mạnh dạn bước qua những gì không còn phù hợp. Tôi cũng đã không kìm được nước mắt khi đọc bài báo. Mong sao cuộc sống có nhiều người tốt như gia đình trong câu chuyện”.