Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan và nhiều bị can khác vừa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra phong tỏa, kê biên hàng nghìn bất động sản, siêu xe, du thuyền, hàng triệu USD…

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố 86 bị can trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị có liên quan về tội “Tham ô tài sản”, “Vi phạm hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”, “Nhận hối lộ”, “Đưa hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Trong đó, bị can Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) bị đề nghị truy tố về 3 tội là: “Đưa hối lộ”, “Tham ô tài sản” và “Vi phạm hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”.

Được biết, Trương Mỹ Lan (66 tuổi, tên gọi khác là Trương Muội) là một nữ doanh nhân, tỷ phú người Việt gốc Hoa. Bà là người sáng lập và hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Gia tộc Trương Mỹ Lan là một trong những gia tộc giàu có nhất Việt Nam. Chồng bà Lan là ông Eric Chu Nap Kee, một doanh nhân trong lĩnh vực bất động sản tại Hồng Kông.

Năm 1992, bà Trương Mỹ Lan thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vạn Thịnh Phát hoạt động trong lĩnh vực thương mại và kinh doanh nhà hàng – khách sạn. Sau này, công ty mở rộng thành Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản với nhiều nhà hàng, khách sạn, cao ốc văn phòng và cao ốc căn hộ.

Bà Trương Mỹ Lan

Bà Trương Mỹ Lan

Sau nhiều năm, bà Trương Mỹ Lan đã tạo nên một “hệ sinh thái” Vạn Thịnh Phát với loạt công ty con, tiêu biểu như: CTCP Vạn Thịnh Phát, CTCP Đầu tư An Đông, CTCP Đầu tư Time Square, Công ty Tập đoàn Sài Gòn Peninsula,… Đây là nhóm công ty chuyên liên kết đầu tư bất động sản.

Từ những ngày đầu thành lập, các doanh nghiệp này được cho là có liên quan đến nhóm cổ đông của Ngân hàng Sài Gòn (SCB) và Tập đoàn VIPD. Đặc điểm chung của nhóm này là có vốn điều lệ đăng ký “siêu khủng”, đều trên dưới 10.000 tỷ đồng.

Trong đó, năm 2007, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, tên viết tắt là VTP Group Holdings, với vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng được thành lập. Tại VTP Group Holdings, bà Lan sở hữu 80% cổ phần, tương đương lượng vốn góp trị giá 4.800 tỷ đồng.

Vạn Thịnh Phát có hai công trình lớn là Khách sạn Thương mại An Đông – Windsor Plaza Hotel, cao ốc căn hộ cao cấp Sherwood Residence.

Tại TP HCM, bà Trương Mỹ Lan được mệnh danh là “bà trùm” của những dự án bất động sản “khủng” nằm tại nhiều vị trí đắc địa bậc nhất Sài Gòn như Times Square, VTP Office Building, khách sạn Duxton, Union Square…

Bên cạnh đó, Vạn Thịnh Phát còn sở hữu hàng loạt siêu dự án khác như: Khu dân cư Bonville Land, Khu dân cư cao cấp Sterling Residence, Khu căn hộ cao cấp Lambert Residence, Thuận Kiều Plaza; nhà hàng cà phê Central Nguyễn Huệ, nhà hàng Hữu Nghị và nhà hàng Đức Bảo, đều nằm ở trung tâm Quận 1, TP HCM.
Tòa nhà văn phòng công ty Vạn Thịnh Phát

Tòa nhà văn phòng công ty Vạn Thịnh Phát

Quá trình hoạt động, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã xây dựng hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát với hơn 1.000 doanh nghiệp gồm các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước, với hàng trăm cá nhân được thuê đứng tên đại diện pháp luật hoặc là người có quan hệ họ hàng, cán bộ, công nhân viên.

Ngoài tiếng tăm trong kinh doanh, nữ doanh nhân này không ít lần bị nhắc tên trong các vụ bê bối. Năm 2014, bà Trương Mỹ Lan được ông Dương Chí Dũng nêu tên tại phiên tòa xét xử ông Dương Tự Trọng, liên quan tới một lãnh đạo cấp cao Bộ Công an.

Năm 2016, báo chí cũng nhắc nhiều đến tên bà Lan vì một số nhân vật trong “Hồ sơ Panama” có tên giống với tên vợ chồng bà. “Hồ sơ Panama” là vụ rò rỉ tài liệu lớn nhất trong lịch sử thế giới, tiết lộ cách thức những người giàu có và quyền lực chuyển tiền ra nước ngoài từ năm 1977 cho tới cuối tháng 12/2015.

Năm 2017, cái tên Trương Mỹ Lan tiếp tục gây xôn xao với thông tin bà cùng 9 thành viên khác trong gia đình nộp hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam. Sau đó, bà cùng người thân đều rút hồ sơ và được trả lại.

Bà cũng từng là bị đơn trong một vụ kiện đòi nợ của một Việt kiều Hong Kong. Trong năm 2022, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị Thanh tra Chính phủ nêu tên có sai phạm trong các dự án chuyển đổi nhà, đất tại TP HCM.

Hồi tháng 10/2022, nữ doanh nhân Trương Mỹ Lan – Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát – bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Kết quả điều tra ban đầu xác định các bị can đã có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái luật để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân trong hai năm 2018 – 2019

Liên quan đến vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) đã rà soát, xác minh, truy thu theo dòng tiền có nguồn gốc từ hành vi phạm tội, tài khoản, tài sản đứng tên bị can hoặc cá nhân được nhờ đứng tên để thu hồi, kê phiên, phong tỏa theo quy định. Ngoài ra, các bị can và gia đình đã phối hợp, tự nguyện nộp tiền vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan công an để khắc phục hậu quả.

Cụ thể, C03 đã thu giữ tổng số tiền hơn 589 tỷ đồng và gần 15 triệu USD tiền mặt. Trong đó, có 14,5 triệu USD tiền mặt bị can Trương Mỹ Lan đưa cho Tạ Hùng Quốc Việt. Theo lời khai của bà Lan, số tiền 14,5 triệu USD trên là của bà và bà tự nguyện sử dụng để khắc phục hậu quả đối với hành vi phạm tội của mình.

Ngoài ra, C03 còn thu giữ 190.000 USD của Trần Văn Hùng (nhân viên của bà Lan). Theo Kết luận điều tra, ông Hùng được Trương Mỹ Lan giao việc dọn dẹp, vệ sinh đồ đạc tại một căn hộ và được giao giữ một hộp giấy chứa tiền và tài liệu của con gái bà Lan là Chu Duyệt Phấn. Sau đó, Hùng cất giữ hộp giấy chứa tiền và tài liệu tại chỗ ở của Hùng. C03 đã thi hành Lệnh khám xét khẩn cấp, thu giữ 190.000 USD và một số tài liệu của Chu Duyệt Phấn. Số tiền trên đã được nộp vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an theo quy định để khắc phục hậu quả đối với hành vi phạm tội của Trương Mỹ Lan.

Quá trình điều tra, C03 còn tiến hàng kê biên tài sản là bất động sản liên quan đến bị can Trương Mỹ Lan. Cụ thể, tạm giữ 1.266 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDD); giấy chứng nhận CTXD; 1784 bản photo GCNQSDD, danh sách 269 nhà đất cho thuê và 21 hợp đồng công chứng; đã kê biên 61 bất động sản và ngăn chặn giao dịch 8 bất động sản của các bị can hoặc cá nhân đứng tên hộ các bị can.

C03 cũng tiến hành phong tỏa 43 tài khoản của các bị can và các cá nhân đứng tên hộ bị can mở tại các ngân hàng. Tổng số tiền phong tỏa là hơn 1.896 tỷ đồng; đã kê biên 857.561.259 cổ phần SCB của Trương Mỹ Lan và các cá nhân đứng tên hộ bà Lan; 137.763.300 cổ phần 5 công ty của các cá nhân, pháp nhân đứng tên hộ bà Lan… C03 cũng kê biên 22 tài sản là phương tiện, gồm 1 du thuyền, 2 tàu, 19 ô tô của bà Lan và em gái. Số phương tiện này, bà Lan nhờ nhiều người đứng tên.