Đến đồn cảnh sát, Lý Quyên thực sự nhìn thấy con trai Khưu Minh đang ngồi khép nép trong sợ hãi.

“Tôi chưa bao giờ sinh ra nó”- Đây là lời của người mẹ nói khi con trai ngồi trong đồn cảnh sát.

Chàng trai đến từ An Huy (Trung Quốc) đạt điểm 672 trong kỳ thi tuyển sinh đại học, được bố mẹ cho tiền đi du lịch. Nhưng cậu đã bị giữ lại ở sân bay, nguyên nhân khiến bố mẹ tức giận đến mức muốn “từ mặt”.

Chàng trai này tên Khưu Minh, từ nhỏ đến lớn, mẹ cậu là Lý Quyên chỉ có một yêu cầu duy nhất là chăm chỉ học hành, ngoài ra không cần làm chuyện gì khác. Vì vậy, cậu chưa bao giờ động tay vào các việc nhà như rửa bát, lau sàn, giặt quần áo… kể cả đi đổ rác.

Nhưng Khưu Minh là đứa trẻ hoàn hảo trong mắt Lý Quyên. Vì con trai rất ngoan ngoãn, Lý Quyên mỗi tuần cho con 300 NDT (hơn 990 nghìn đồng) tiền tiêu vặt. Khưu Minh dùng số tiền này vào việc mua sách hoặc tham gia các lớp học cải thiện năng lực, không bao giờ tiêu tiền bừa bãi.

Khưu Minh cũng thực hiện được tâm nguyện của bố mẹ. Từ tiểu học đến cấp ba, thành tích học tập của cậu luôn thuộc hàng giỏi nhất trường. Kỳ thi tuyển sinh đại học năm nay, đúng như mọi người mong đợi, cậu đạt số điểm khá tốt là 672 điểm. Đối với khu vực trấn huyện nhỏ, điểm số như vậy đã là rất giỏi, có thể vào được một trường đại học tốt.

Khi vợ chồng Lý Quyên biết điểm thi vào đại học của con trai, họ đã khóc trong sung sướng. Tối hôm đó, Lý Quyên nấu một bàn món ngon để ăn mừng, một nhà ba người vui vẻ, ấm áp bên nhau.

Sau bữa tối, Lý Quyên nghĩ rằng con trai mình chưa bao giờ thư giãn một giây phút nào ngoài việc học nên đã thưởng 10.000 NDT (hơn 33 triệu đồng) để con đi du lịch.

Khưu Minh rất phấn khởi, lập tức chọn điểm đến du lịch là Vân Nam, bắt đầu lên kế hoạch cho chuyến đi và đặt vé máy bay trong đêm. Vài ngày sau, Khưu Minh thu dọn vali và lên máy bay đi Vân Nam. Nhìn dáng vẻ con trai vui vẻ, Lý Quyên không khỏi hạnh phúc và tự hào.

Sau khi đến các điểm du lịch ở Côn Minh, Vân Nam, Khưu Minh đã chụp rất nhiều ảnh, đăng video lên TikTok. Cậu chia sẻ cảnh đẹp và niềm hạnh phúc với bố mẹ mình. Vợ chồng Lý Quyên rất vui khi nhìn thấy những nơi mà con trai đã thăm thú, hai vợ chồng càng cảm thấy món quà dành cho con thật sự xứng đáng.

Tuy nhiên, hôm Khưu Minh trở về, vợ chồng Lý Quyên đợi rất lâu tại lối ra sân bay nhưng không thấy con trai xuất hiện, cũng không liên lạc được điện thoại, hai người vô cùng lo lắng. Trong lúc bối rối, điện thoại của Lý Quyên reo lên. Hai vợ chồng tưởng rằng đó là cuộc gọi của con trai, nhưng đầu dây bên kia lại là người ở đồn cảnh sát, Lý Quyên gần như ngất đi.

Cảnh sát nói với Lý Quyên rằng Khưu Minh bị bắt quả tang khi đang lén lút chụp ảnh trong nhà vệ sinh nữ ở sân bay.

“Không thể nào! Con trai của tôi luôn ngoan ngoãn và xuất sắc, không thể làm chuyện xấu hổ như vậy, các người có nhầm lẫn gì ở đây không?”. Lý Quyên một mực không tin con trai mình lại làm ra chuyện xấu hổ như vậy.

“Chúng ta đến đó xem thế nào đã”- Chồng Lý Quyên ở bên cạnh nói.

Đến đồn cảnh sát, Lý Quyên thực sự nhìn thấy con trai Khưu Minh đang ngồi khép nép trong sợ hãi. Vợ chồng Lý Quyên cảm thấy mọi thứ như đang sụp đổ trước mặt. Bà mẹ cố lấy lại bình tình hỏi con trai: “Tại sao con lại làm điều này?”.

Khưu Minh run rẩy nói với mẹ: “Mẹ, thực ra, con đã phải chịu rất nhiều áp lực học tập. Đến Vân Nam, con chỉ muốn tìm chút phấn khích mà thôi, nên đã chụp lén như vậy vài lần. Đến sân bay địa phương, con không chịu được nữa, nghĩ rằng mình sẽ không bị phát hiện, nên đã…”.

“Tôi chưa bao giờ sinh ra nó”. Lý Quyên không thể nghe thêm được nữa, cô xấu hổ và tức giận, bước tới tát con trai hai cái thật mạnh. Cảnh sát ngăn cô lại và nói: ” Cô muốn dạy con thì về nhà mà dạy”. Lý Quyên đỏ mặt tía tai vì nhục nhã.

Lý Quyên không còn cách nào khác đành phải nhẹ giọng thương lượng với cô gái tố cáo, nói rằng vì con trai còn trẻ dại bồng bột nên mong cô ấy rộng lượng bỏ qua và sẵn sàng bồi thường 2.000 NDT (hơn 6,6 triệu đồng). Thế nhưng cô gái không cần bồi thường và nhất quyết phải cho Khưu Minh một bài học thích đáng vì cậu đã đủ 18 tuổi.

Lý Quyên lo lắng vì con trai chưa vào đại học mà đã phải chịu vết nhơ này, vậy thì tương lai về sau chắc chắn bị ảnh hưởng. Lý Quyên tiếp tục cầu xin cô gái, nói rằng chỉ cần cô không tố cáo thì xin lỗi hay bồi thường thêm tiền đều được.

Tuy nhiên, cô gái nhất quyết không hòa giải. Lý Quyên mặc dù cảm thấy thương xót con trai, nhưng cô có thể hiểu được tâm trạng của cô gái. Cô tự trách mình đã không giáo dục con trai tốt, chỉ quan tâm đến việc học mà bỏ bê việc dạy dỗ ở những phương diện khác.

Cuối cùng, Khưu Minh bị giam 10 ngày. Mặc dù sau khi có tiền án vẫn có thể vào đại học, nhưng cậu sẽ không vào được một số trường đại học tốt. Vết nhơ này sẽ không bao giờ được xóa sạch, và nó sẽ đi theo cậu suốt phần đời con lại.

Lý Quyên nhìn con trai đang bần thần, chỉ có thể nói rằng: “Con trai, con phải chịu trách nhiệm về những sai lầm mà mình đã gây ra. Không ai có thể gánh chịu thay con, mà có muốn gánh thay cũng gánh không được”.

Muối mặt vì đi đâu cũng khoe con thi đại học được điểm cao

Dù là người thân, bạn bè, đồng nghiệp hay hàng xóm, hễ có dịp là tôi lại vô tình nhắc đến việc con trai tôi học giỏi, thông minh và có triển vọng như thế nào.

Dù là người thân, bạn bè, đồng nghiệp hay hàng xóm, hễ có dịp là tôi lại vô tình nhắc đến việc con trai tôi học giỏi, thông minh và có triển vọng như thế nào.

Khi con đạt được thành tích cao trong học tập, bố mẹ nào cũng vui mừng, hạnh phúc cả. Có người trao thưởng cho con rồi động viên con tiếp tục phát huy việc học. Nhưng cũng có người vì quá vui mà đi khoe khoang khắp nơi, từ mạng xã hội đến ngoài đời. Sự khoe khoang quá mức nhiều khi gây ra những câu chuyện, tình huống oái oăm.

Một phụ nữ ở Trung Quốc đã rơi vào tình cảnh này. Sau khi con thi đại học được số điểm cao, chỉ vì khoe khoang mà chị đã vô tình khiến người khác khó chịu và khiến chính mình rơi vào cảnh bẽ bàng.

Người phụ nữ chia sẻ lại câu chuyện của mình như sau:

Tôi tên là Lưu Hiểu Lan, 42 tuổi, là một bà nội trợ bình thường. Con trai tôi năm nay 18 tuổi, vừa thi đại học vào tháng 6 năm nay. Thằng bé từ nhỏ đã thông minh, điểm số lúc nào cũng tốt. Tôi và chồng rất tự hào về cháu. Chúng tôi cũng mong cháu được nhận vào một trường đại học tốt và thực hiện được ước mơ của mình.

Kỳ thi tuyển sinh đại học năm nay là một bất ngờ ngoài dự kiến đối với chúng tôi. Con trai tôi luôn hồi hộp và lo lắng trước kỳ thi, lo lắng nó sẽ không thể làm bài như ý. Chúng tôi cũng cố gắng hết sức an ủi, để con thấy thư giãn và là chính mình.

Thật bất ngờ, con tôi đã thể hiện xuất sắc trong phòng thi, và đạt 621 điểm. Trước đó trong các kỳ thi thử, con chưa bao giờ đạt quá 600 điểm. Khi biết điểm của con, hai vợ chồng tôi vui đến chảy nước mắt. Trong khoảnh khắc đó, tôi cảm thấy tất cả những nỗ lực của mình đều đáng giá.

Ảnh minh họa.

Nhưng tôi đã nhầm, lẽ ra tôi nên giữ niềm vui và sự xúc động này trong lòng, thầm chúc con nhập học suôn sẻ thì hơn. Nhưng vì sĩ diện, tôi đã khoe kết quả thi đại học của con khắp nơi. Tôi nghĩ đây là điều vinh quang nhất trong đời tôi, và cũng là vốn liếng thuyết phục nhất của tôi đối với người khác. Tôi không quan tâm đến cảm xúc và phản ứng của người khác, chỉ muốn họ ghen tị và ngưỡng mộ tôi.

Ban đầu, tôi đăng một bức ảnh của con trai và điểm số của nó trên ứng dụng WeChat, kèm theo một câu khoe khoang: “Cảm ơn ông trời đã cho tôi một đứa con trai xuất sắc như vậy. Cảm ơn các giáo viên đã vất vả, và cảm ơn con trai vì đã cô gắng học tập. 621 điểm, con là niềm tự hào của gia đình chúng ta!”.

Dù là người thân, bạn bè, đồng nghiệp hay hàng xóm, hễ có dịp là tôi lại vô tình nhắc đến việc con trai tôi học giỏi, thông minh và có triển vọng như thế nào. Tôi khoe con có thể đến Bắc Kinh hoặc Thương Hải để học đại học.

Tôi nghĩ bằng cách này có thể khiến người khác ghen tị, ngưỡng mộ và khen ngợi hai mẹ con tôi, đồng thời nó cũng thỏa mãn lòng tự cao tự đại của tôi. Tôi nghĩ đó là điều bình thường và là một người mẹ, tôi chỉ muốn mọi người biết con trai tôi tuyệt vời như thế nào.

Nhưng tôi không ngờ, việc làm đó đã khơi dậy sự oán giận của mọi người.

Có lẽ tôi đã không quan tâm đến cảm xúc của người khác. Xung quanh tôi, nhiều người cũng có con thi đại học nhưng điểm số không được như ý. Một số thậm chí không đủ điểm để vào đại học. Họ đã rất lạc lõng, buồn bã và hẳn đã rất khó chịu khi nghe tôi khoe khoang về việc con trai tôi giỏi như thế nào.

Họ cảm thấy rằng tôi đang cố tình thể hiện, kích thích họ, thể hiện cảm giác vượt trội của tôi và coi thường họ.

Cuối cùng, tại một bữa tiệc với họ hàng, tôi đã nhận ra sai lầm của mình. Hôm đó là sinh nhật của em gái tôi và em ấy đã mời gia đình chúng tôi cùng một số họ hàng khác đến nhà ăn tối. Vốn dĩ tôi muốn nhân cơ hội này khoe kết quả thi đại học của con trai một lần nữa và khiến tất cả phải ghen tị. Nhưng điều tôi không ngờ là thái độ của họ đối với tôi và con trai rất lạnh lùng, chiếu lệ. Thay vì dành cho chúng tôi những lời chúc mừng, khen ngợi, họ lại nói những lời mỉa mai, chế giễu.

Chẳng hạn, một người họ hàng nói: “Ồ, con trai của chị rất tốt. Người bình thường làm sao có thể so sánh được? Sau này đừng coi thường chúng tôi nhé”; “Con thông minh như thế thì sau này nhớ phải hiếu thảo, đừng quên công ơn sinh thành của cha mẹ nhé. Đừng giống nhiều người, vừa vào đại học đã quên hết cha mẹ, gia đình”;….

Sau khi nghe những lời này, tôi cảm thấy rất khó chịu và xấu hổ. Cảm giác như bị dội một chậu nước lạnh vào người, toàn thân lạnh cóng. Tôi chỉ ước có một cái lỗ dưới đất để chui xuống. Dường như mọi người đang cô lập và tẩy chay tôi.

Tôi hiểu vì sao mọi người lại làm thế, bởi vì đã khoe khoang, coi thường và không quan tâm đến cảm xúc của họ. Cuối cùng tôi đã nhận ra sai lầm của bản thân cũng như chân lý: Khi tự hào không khoe khoang, khi thất vọng không nói vòng vo.

Khi về đến nhà, tôi nói với con rằng: “Mẹ đã sai, mẹ đã làm con xấu hổ. Thành tích của con là do chính sự nỗ lực của con, không phải công lao của mẹ, chứ đừng nói là thứ vốn liếng để mẹ đem ra khoe khoang.

Mẹ không nên khoe khoang và so sánh thành tích của con. Mẹ nên tôn trọng sự lựa chọn và mong muốn của con, hỗ trợ con tiếp tục học tập chăm chỉ. Mẹ mong con sau này đừng như mẹ, có thành tích nhỏ là chạy đi khoe với người khác”.

Nói xong những lời này, trong lòng tôi chợt cảm thấy nhẹ nhõm. Cuộc đời luôn có những lúc thăng trầm, chúng ta nên có một tâm hồn thanh thản, đừng vì thành công nhất thời mà tự cao tự đại, và cũng đừng vì thất bại nhất thời mà nản lòng. Khiêm tốn làm cho con người tiến bộ, còn kiêu ngạo làm cho con người trì trệ.

Chúng ta nên học cách khiêm tốn để được người khác tôn trọng và yêu mến! Đó là những gì tôi đã học được.

Thi 2 lần không đỗ đại học, cô gái vẫn được 3 công ty đa quốc gia mời về làm việc nhờ khả năng này